29-01-2016

Google hứa đóng gần 186 triệu USD tiền thuế cho Anh

Ngày 28-1, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu triển khai kế hoạch ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia né thuế hàng tỷ USD


Đại gia công nghệ Google đang bị các quốc gia châu Âu siết thuế

Theo AFP, trong cuộc họp báo mới đây Cao ủy Kinh tế EU Pierre Moscovici cho biết theo các khảo sát của Nghị viện châu Âu, nền kinh tế khu vực thiệt hại từ 50-70 tỷ euro (55-75 tỷ USD) mỗi năm do hành vi né thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Con số này tương đương GDP của Bulgaria.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính các nước mất khoảng 100-240 tỷ USD mỗi năm vì hành vi né thuế của các tập đoàn đa quốc gia, tương đương 4-10% nguồn thu thuế toàn cầu.

“Không có nguồn thu này, chúng tôi không thể đầu tư vào các bệnh viện, trường học, hệ thống giao thông công cộng, an ninh và các dịch vụ cơ bản khác” – Cao ủy Moscovici nhấn mạnh. Theo các quy định mới, tất cả những tập đoàn lớn hoạt động ở EU sẽ phải công khai lợi nhuận ở từng quốc gia, từng thi trường.

Ngăn chặn chuyển lợi nhuận

Đây là biện pháp nhằm ngăn chặn các tập đoàn chuyển lợi nhuận từ quốc gia có mức thuế doanh nghiệp cao đến quốc gia có mức thuế doanh nghiệp thấp để né thuế. Một quy định nữa của EU là các nước khu vực đạt thỏa thuận về một số tiêu chuẩn thuế chung.

“Ngày các công ty chủ động tìm cách giảm thuế đã sắp trôi qua” – Cao ủy Moscovici khẳng định. Ngoài ra, hiện EU cũng đang mở chiến dịch điều tra hành vi né thuế của hàng loạt tập đoàn đa quốc gia như Starbucks, McDonald’s hay Fiat.

EU bắt đầu mở chiến dịch chống hành vi né thuế một cách quyết liệt từ tháng 11-2014 khi vụ xìcăngđan “Rò rỉ Luxembourg” nổ ra. Điều tra của Liên đoàn Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) về hồ sơ thuế của “thiên đường thuế” Luxembourg cho thấy những công ty hàng đầu thế giới, điển hình như Pepsi hay Ikea đã bí mật ký các thỏa thuận ưu đãi thuế với chính quyền Luxembourg.

Hàng nghìn công ty chỉ đăng ký trụ sở trên danh nghĩa ở Luxembourg, qua đó hưởng mức thuế vỏn vẹn 1%. Vụ bê bối này là cú đòn nặng giáng vào uy tín của ông Jean-Claude Juncker, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC). Ông từng giữ chức thủ tướng Luxembourg suốt gần 20 năm.

Hai đề xuất do EU đưa ra là một phần trong kế hoạch 15 điểm do các nhà lãnh đạo OECD đạt thỏa thuận tại hội nghị G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11-2015. Có bảy quốc gia EU không nằm trong OECD là Bulgaria, Latvia, Lithuania, Malta, Romania, Croatia và Cyprus.

Trong đó Cyprus cũng là một trong những “thiên đường né thuế” được các tập đoàn đa quốc gia ưa chuộng. Hiện EU đang gây sức ép dữ dội buộc các quốc gia này phải bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch chống né thuế. OECD cũng cho biết đến nay đã có 30 nước ký thỏa thuận chia sẻ thông tin về thuế.  

Google bị “quây”

Cùng thời điểm EU công bố kế hoạch chống né thuế, tập đoàn công nghệ Mỹ Google tuyên bố sẽ đóng 185,4 triệu USD tiền thuế đã né cho chính phủ Anh để dàn xếp cuộc điều tra của Anh đối với các thỏa thuận thuế của công ty này.

Điều tra của Anh cho thấy nhờ thủ đoạn chuyển giá, Google chỉ phải đóng thuế với mức 3% ở Anh dù mức thuế thu nhập doanh nghiệp của nước này năm 2015-2016 là 20%. Trong cuộc điều trần của Thủ tướng Anh Cameron hôm qua trước quốc hội, các nghị sĩ Anh vẫn cho rằng con số 185,4 triệu USD mà Google phải đóng là quá thấp.

“Đây là thỏa thuận quá tồi. Đó sẽ là tín hiệu gửi tới các tập đoàn đa quốc gia rằng Anh có thể trở thành một thiên đường né thuế” – bà Eva Joly, phó chủ tịch Ủy ban Điều tra thuế đặc biệt của Nghị viện châu Âu khẳng định. Bà Joly cho biết sẽ chất vấn Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne về vấn đề này.

Nguồn tin báo The Times cho biết Ý cũng đang siết chặt vòng vây với Google. Theo đó, Google sẽ phải đóng khoản thuế tương đương 15% lợi nhuận của hãng tại nước này. Mới đây Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cũng tuyên bố Google cần phải đóng trả thuế đã né ở Pháp.

Báo chí Pháp cho biết chính quyền Paris đang đòi Google phải đóng khoảng 500 triệu euro (545 triệu USD).